Trong chuyên mục Từ vựng tiếng Hàn kỳ này, học tiếng Hàn chia sẽ đến các bạn bài học: Thành ngữ liên quan đến “Bánh Tteok Hàn Quốc”
1. Trong quán dụng ngữ
Có một số câu nói mà người Hàn Quốc thường dùng có hình ảnh bánh tteok như:
Câu “ 일주일간 안감았더니 머리가 떡이 됐다 ” trong tiếng Hàn nghĩa là “Mái tóc không gội suốt một tuần giống như là tteok”. Ở đây, người ta muốn so sánh mái tóc của người nào đó như bánh tteok dính vào nhau không thể gỡ được.
Câu “ 떡 주무르듯 한다 ” nghĩa là “Làm như là nắn bánh tteok”, dùng để chỉ hành động bắt người khác làm theo ý của bản thân mình.
Câu “ 떡이 되도록 술을 마셨다 ” nghĩa là “Uống rượu đến mức giống như là bánh tteok”, dùng để chỉ trạng thái say bí tỉ của người nào đó đến mức vô thức không còn biết gì nữa. Đồng thời, hình ảnh bánh tteok trong câu nói này còn được dùng như một ẩn ngữ để nói về chất ma tuý.
Câu “ 떡 떼어 먹 듯하다 ” nghĩa là “như là chia bánh để ăn”, dùng để chỉ việc phan chia công việc rõ ràng cho từng người thực hiện.
2. Trong tục ngữ
Chúng ta hãy cùng xem qua một số hình ảnh bánh tteok trong tục ngữ Hàn Quốc và ý nghĩa của các câu tục ngữ này· “ 떡 본 김에 제사 지낸다 ” (nhân tiện có tteok thì tế lễ luôn). Câu tục ngữ này được dùng với ý “một công đôi việc”, đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của bánh tteok trên bàn tế lễ, chỉ cần có bánh tteok thôi, cũng có thể làm đồ cúng để dâng lên cho thần linh và các vị tổ tiên.
3. Câu tục ngữ
“ 밥 먹는 배 따로 있고 , 떡 먹는 배 따로 있다 ”(có bụng dành để ăn cơm, và có bụng dành để ăn bánh tteok), “ 떡 주고 뺨 맞는다 ” (cho bánh tteok lại bị ăn tát) và “ 떡 달라는데 돌 준다 ” (đòi bánh tteok lại đưa cho đá) đều được dùng chung với 1 ý nghĩa, chỉ sự vô tâm của con người.
“ 가는 떡이 커야 오는 떡이 크다 ” (bánh tteok đi có to thì bánh tteok đến mới to), hay “ 내 떡이 두 개면 남의 떡도 두 개다 ” (bánh tteok của tôi là 2 cái thì của người khác cũng là 2 cái), 2 câu tục ngữ này đều mang ý nghĩa nếu như mình đối xử tốt, công bằng với người khác thì người ta cũng sẽ đối xử với mình như thế.
“ 개가 그림 떡 바라듯 한다 ” (con chó nhìn bánh tteok trong tranh), ám chỉ tâm lý chờ đợi, mong muốn có được cái gì đó một cách vô ích mà không bao giờ đạt được.
“ 굿이나 보고 떡이나 먹자 ” (nhìn cái lỗ và ăn bánh tteok), câu tục ngữ này khuyên người ta đừng có tham gia một cách vô ích vào việc vủa người khác mà hãy cứ lo việc của mình đã.
“ 기름떡 먹기다 ” (ăn bánh tteok rán trong dầu), ví với việc ăn bánh tteok rán vừa ngon lại vừa dễ ăn, câu tục ngữ này dùng để chỉ việc gì đó rất dễ làm mà không phải tốn công sức.
“ 싼 게 비지떡 ” (đồ rẻ như là bánh tteok trắng), nghĩa là đồ vật gì giá rẻ thì chất lượng cũng không tốt, tương đương với câu “của rẻ là của ôi” trong tiếng Việt.
“ 보기 좋은 떡이 먹기도 좋다 ” (tteok nhìn đẹp thì ăn cũng ngon), được dùng với nghĩa vật gì có hình dáng bên ngoài đẹp thì nội dung , bản chất bên trong cũng tốt.
“ 미운 놈 떡 하나 더 준다 ” (người mình ghét thì cho thêm một cái bánh tteok), khuyên người ta càng là người mình ghét thì càng phải đối xử thật tốt để lấy được cảm tình của người ta và không mang lại điều xấu cho mình.
“ 남의 떡으로 제사 지낸다 ” (tế lễ bằng bánh tteok của người khác), dùng để ám chỉ việc gì đó đạt được là nhờ vào công của người khác.
“ 노인 말을 들으면 자다가도 떡이 생긴다 ” (nếu nghe lời những người già thì đang ngủ cũng thấy bánh tteok), khuyên con người ta nên nghe theo lời dạy của những người đi trước, vì họ là những người đãcó nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.
“ 누워서 저절로 입에 들어오는 떡은 없다 ” (chỉ nằm đấy thì không tự dưng mà có bánh tteok để ăn), nhắc nhở người ta nếu không biết cố gắng thì sẽ chẳng đạt được thành quả gì. Câu tục ngữ này tương đương với câu “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho” trong tiếng Việt.
Hai câu tục ngữ “ 떡도 나오기 전에 김칫국부터 마신다 ” (bánh chưa đến đã uống canh kimchi trước), hay “ 떡 줄 사람은생각하지도 않는데 김칫국부터 마신다 ” (người ta còn chưa nghĩ đến việc cho bánh mà đã uống canh kimchi trước) đều được dùng với nghĩa cười nhạo ai đó mặc dù việc tốt còn chưa thấy đâu nhưng đã mơ ước đến chuyện đón nhận việc đó.
“ 밥 위의 떡 ” (tteok đặt trên cơm), nghĩa là bánh tteok được nhiều người yêu thích như là một món ăn đặc biệt mà sau khi ăn cơm no rồi vẫn có thể ăn thêm được.
“ 여름비는 잠비요 가을비는 떡비다 ” (mưa hè là mưa ngủ, mưa thu là mưa bánh), nghĩa là mùa hè mưa thì tốt nhất là đi ngủ, còn mùa thu mưa thì người ta thường làm bánh tteok để ăn cho đỡ nhạt miệng.
“ 이 장떡이 큰가 저 장떡이 큰가 한다 ” (bánh “Jangtteok” này to hay bánh “Jangtteok” kia to), dùng để ám chỉ trường hợp người ta đang phân vân giữa 2 việc mà không biết việc nào sẽ có lợi hơn.
“ 입에 문 떡도 못 먹는다 ” (bánh tteok đến cửa miệng còn không ăn được), ám chỉ việc gì đã sắp hoàn thành xong nhưng cuối cùng lại đổ bể.
“ 떡 해 먹을 집안 ” (trong nhà làm bánh ăn), ám chỉ những gia đình không hoà thuận, trong nhà thường lục đục và lộn xộn.
“ 떡방아를 찧어도 더 옳은 방아를 찧어다 ” (giã bánh cũng phải giã cho đúng cách),khuyên người ta mọi việc, dù lớn hay nhỏ, cũng đ ều cần phải thực hiện một cách cẩn thận, đ úng trình tự và bài bản.
2.3. Trong thành ngữ 4 chữ
* 화중지병 ( 畵中之餠 ):
“hoạ chung chi bính” (bánh tteok trong tranh), câu thành ngữ này có 3 ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, ám chỉ về một vật gì đó chỉ để ngắm nhìn thôi chứ không có chút giá trị sử dụng nào cả. Ý nghĩa thứ 2, để chỉ vật gì đó hay một điều gì đó mà ta không bao giờ sở hữu được cũng như không bao giờ đạt được. Và ý nghĩa thứ 3, là dùng để nói về một việc làm phù phiếm, không mang lại một kết quả gì.
* 옹산화병 ( 甕算畵餠 ):
“ung toán hoạ bính” (đếm bánh tteok trong chum), câu thành ngữ này mang ý nghĩa thứ 3 của câu thành ngữ trên, cũng ám chỉ một việc làm vô ích không có ý nghĩa.
* 양수집병 ( 兩 手執餠 ):
“lưỡng thủ chấp bính” (hai tay cầm bánh tteok), câu thành ngữ này được dùng để chỉ những trường hợp khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, giống như việc cầm tteok ở cả 2 tay thì giữ lại cũng khó mà vứt đi cũng khó.
* 오병이어 ( 五餠二魚 ):
“ngũ bính nhị ngư” (5 chiếc bánh và 2 con cá), câu thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu chuyện lạ kì được nói đến trong Kinh Thánh. Câu chuyện kể rằng Đức chúa Jesu chỉ cần 5 chiếc bánh tteok ( người Hàn lấy bánh tteok để thay cho bánh thánh, vì 2 loại bánh này cùng màu trắng, hình tròn) và 2 con cá cũng có thể phân phát cho 5 nghìn người dân nghèo khổ.
Qua việc điểm qua một số hình ảnh bánh tteok chứa đựng trong ngôn ngữ tiếng Hàn như trên, chúng ta có thể thấy việc có rất nhiều những câu tục ngữ, thành ngữ liên quan đến bánh tteok đã chứng minh tầm quan trọng của bánh tteok trong cuộc sống sinh hoạt của người dân Hàn Quốc, và đồng thời cũng thể hiện rõ tính dân tộc sâu sắc của dân tộc này.
Nguồn: Nguyễn Thị Thảo 1H06 & Đặng Thị Hiệp 1H06 – Đại học Hà Nội